Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 62/QĐ-BCĐCTTĐQG thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM (Tổ công tác).

Các dự án metro tại Hà Nội và TP.HCM đều chậm tiến độ, đội vốn

Tổ trưởng là Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. Tổ phó gồm Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Bộ GTVT là cơ quan thường trực Tổ công tác.

Tổ công tác có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm điểm các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, xử lý khó khăn vướng mắc, tháo gỡ cơ chế kịp thời nhằm đảm bảo tiến độ các dự án đường sắt đô thị triển khai trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.HCM.

Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM đảm bảo tiến độ.

Hàng tháng, Tổ công tác đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong chính sách để triển khai đầu tư các dự án do các đơn vị đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; được tổ chức khảo sát, nghiên cứu học tập kinh nghiệm một số nước có đường sắt đô thị hiện đại và được mời các chuyên gia trong nước và quốc tế có kinh nghiệm.

Theo Đồ án quy hoạch thủ đô, Hà Nội xác định có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch trước đó.

Ngoài việc tiếp tục triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, đồ án bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 và Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân.

Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác và tuyến Nhổn - ga Hà Nội đang triển khai trong tình trạng chậm tiến độ, nhiều lần điều chỉnh mốc khai thác.

Tương tự, theo quy hoạch, TP.HCM sẽ đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư ước hơn 25 tỉ USD.

Dù vậy đến nay, TP.HCM mới có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km sắp đi vào hoạt động và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) khởi công đầu năm 2024; các tuyến khác mới chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và kêu gọi đầu tư.